Bí thư Ðà Nẵng: Cán bộ đang...
Nói về việc này, ông Trương Quang Nghĩa cho rằng, hiện nay cán bộ của ta đang “sợ” mạng xã hội, “sợ” facebook quá. “Họ dùng công cụ này, tự nhiên mình sợ đóng hết không ai được xem, không ai được nhìn. Họ chửi gì, nói gì trên đó cũng không biết, chỉ người khác vào đọc và xem được”, ông Nghĩa nói và cho rằng, phải coi mạng xã hội như một công cụ để tuyên truyền chủ trương, chính sách.
“Họ dùng facebook thì mình cũng dùng. Từng này đảng viên chúng ta không nói lại được những người ấy à? Vấn đề chúng ta sử dụng công cụ như thế nào?”. “Nếu có comment vào đó cũng phải có nội dung và giữ được chất cơ bản của mỗi đảng viên. Phải sử dụng một số lực lượng từ Ban Tuyên giáo, Sở TT&TT. Đừng để người của Sở TT&TT, Ban Tuyên giáo vào bình luận, hùa theo”, ông Nghĩa nhắc nhở.
Hiện nay, Đà Nẵng có trang facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh -Sạch - Đẹp”, ông Nghĩa đặt câu hỏi: Liệu bao nhiêu lãnh đạo sở ngành ngồi họp tại đây vào xem? Người dân trao đổi, comment ở đây rất thoải mái và thẳng thắn, kịp thời, có đáng phát huy?
“Phải làm sao khi một người dân phản ánh, kêu lên phải có một ông có trách nhiệm trả lời để giảm bớt áp lực xã hội, giải thích và trả lời cho xã hội. Cần nghiên cứu, sử dụng và khai thác các trang như thế này”.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng cho rằng: Nhiều người xúm vào có hướng soi mói nhưng nếu làm tốt công tác tuyên truyền thì chính họ là người lan tỏa những thông tin chính sách, chủ trương, hình ảnh tốt đẹp của thành phố rất tốt.
Liên quan công tác quản lý nhà nước về mặt báo chí trên địa bàn, ông Nghĩa yêu cầu lãnh đạo thành phố, sở ngành trước các sự việc lớn, thu hút sự quan tâm dư luận cần có ngay thông cáo báo chí, cung cấp đầy đủ thông tin cho công luận nắm. Thông cáo phải ngày càng minh bạch nhiều nội dung, chứ không phải “đọc xong thấy kín mít”.
Phải công khai sổ đỏ, giấy phép xây dựng
Đà Nẵng không thể chủ quan trước áp lực tụt hậu, trước sự phát triển của các địa phương, ông Nghĩa cho rằng, từ nay đến năm 2020, Đà Nẵng mong muốn ở Top 10 chứ không còn ở Top đầu của cả nước. Trước nhu cầu phát triển trong thời đại Công nghiệp 4.0, cho đến bây giờ, việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng cho chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh, theo Bí thư Đà Nẵng vẫn đang còn mù mờ và nếu không khẩn trương, Đà Nẵng sẽ tụt hậu rất nhanh.
Việc công khai các dữ liệu dùng chung rất quan trọng và kỳ vọng nhiều vào sự minh bạch, ông Nghĩa đề nghị sở Xây dựng công khai giấy phép xây dựng bởi không có gì bí mật cả. Một tòa nhà cấp phép thì bất cứ ai cũng được phép biết có bao nhiêu tầng, tỷ lệ xây dựng, thời gian khởi công, hoàn thành, quy mô,… Nhà nước cần minh bạch để dân biết.
Tương tự, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Bí thư Đà Nẵng cho rằng, đương nhiên Sở TN&MT phải công khai, không có gì phải giấu giếm. Công khai lô đất đai ông này, ông kia cũng là một cách để quản lý. “Ai sợ lộ? Mấy ông quan chức hay mấy ông nhà buôn? Sắp tới việc đánh thuế nhà đất, công khai sổ đỏ cũng là một cơ sở để thực hiện”, ông Nghĩa nói.
Ngoài ra, các bản đồ quy hoạch xây dựng, phát triển của thành phố cũng phải được công khai. “Người dân đến đây sống thì họ phải biết sau 5 năm, 10 năm khu vực đó sẽ làm cái gì, bán kính bao xa thì có trường học, bệnh viện... Một thành phố đáng sống mà tù mù thông tin thì làm sao gọi là đáng sống được. Đây là một yêu cầu của phát triển của thành phố”, ông Nghĩa yêu cầu.
Bí thư Ðà Nẵng đề nghị ông Ðặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố kiểm tra ngay việc cổng thông tin điện tử thành phố được đánh giá rất thấp trong khi các chỉ số về năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, mức độ hài lòng… lại được đánh giá cao. Ðiều này đồng nghĩa với các tiêu chí đánh giá không thực.